GOTOUR- Tháp Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Tuy Hòa, Đặc điểm: Tháp là nơi thờ phụng thần linh, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Tháp được xây dựng uy nghi trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn.
Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 25m, mỗi cạnh chân tháp dài 11m. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí. Vòm cửa giữa hình cung nhọn có hình đầu quái vật trên đỉnh. Ðây là một chóp tháp được kết hợp hài hòa giữa hai hình tượng chóp nón cùng với hình tượng Linga, một vật mà người Chăm thường thờ ở các tháp, nên chóp tháp ở đây tạc theo hình tượng Linga nhưng chưa có dạng hoàn chỉnh như những Linga ở Ponagar hoặc Ðà Nẵng và Quảng Nam.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng nã pháo làm cho đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ về phía cửa tháp ở hướng đông. Do bị hư hại nhiều trong chiến tranh, vào cuối năm 1960 dưới chính quyền Ngụy, tỉnh Phú Yên cho tu bổ tháp, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp. Người ta dùng xi măng xây kín cả chân tháp.
Hiện nay trong tháp Nhạn không có bộ thờ và các tượng thờ. Phía sau tháp có một phiến đá lớn cao 1,30m, mỗi cạnh rộng 0,90m, dưới chân có chạm hình cánh sen. Dưới chân núi Nhạn về phía tây nam, ven bờ sông có một tảng đá khá bằng phẳng trên khắc 3 chữ cổ (dạng chữ Phạn) ta thường gặp ở các tấm bia trụ cột trong các tháp Chàm như ở Ponagar. Tảng đá cao 5m, rộng 5m. Chữ khắc ở khoảng 1/3 tảng đá. Có lẽ đây là thư tịch duy nhất ở khu vực tháp còn lưu lại. Tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.
Đứng giữa TP.Tuy Hòa (Phú Yên), du khách có thể phóng tầm mắt về phía núi Nhạn hay còn được gọi là "núi Bảo Tháp" hoặc "tháp Dinh" sừng sững xuyên qua bao thế kỷ như chứng minh sự kiên định của con người với thời gian.
Tháp nhạn, nơi chứa nhiều bí ẩn
Huyền thoại bà chúa khai sáng người Chăm
PV Người đưa tin bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm lời giải cho những huyền tích của ngôi tháp này bằng việc tìm gặp ông bạn tên T. đang công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Phú Yên. Gặp tôi, gã tinh nghịch "ra giá": "Bia với đồ nhậu hải sản nhá, thế còn ít cho một kho huyền tích về núi Nhạn, tháp Chàm".
Ngồi bên bờ biển, sau khi đã "làm gọn" hai lon bia, T. bắt đầu câu chuyện. Theo T., muốn biết tháp Nhạn trước hết phải biết sự tích Thiên Y A Na, bởi mọi giá trị tâm linh đều có nguồn từ vị thánh này. Hiện có rất nhiều truyền thuyết về bà chúa được coi là có công khai sáng người Chăm nhưng có một sự tích được nhiều người thường xuyên nhắc tới: Xưa kia có hai vợ chồng tiều phu già không con, trồng rẫy dưa. Dưa chín, thường bị hái trộm. Rình rập mãi, một đêm ông lão bắt được thủ phạm. Khi biết được kẻ hái là một cô gái nhỏ xinh đẹp nhưng mồ côi, ông liền mang về nuôi. Không ngờ, cô gái ấy vốn là tiên nữ tên là Thiên Y A Na, vì lí do nào đó, phải giáng trần!.
Một hôm, mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều, khiến tiên nữ thêm nhớ cảnh tiên xưa, nhân thấy một khúc kì nam đang trôi dạt, cô bèn biến thân vào khúc cây ấy, để xuôi ra biển rồi tấp vào bờ biển một nước lân cận. Mùi hương từ khúc kì nam lan tỏa khắp nơi, khiến nhiều người đến xem, nhưng không một ai nhấc lên nổi. Thái tử nước ấy, nghe tin đồn tìm đến, rồi nhẹ nhàng vác khúc gỗ kia mang về cung. Đêm nọ, Thái tử thấy có bóng người lạ ẩn hiện từ khúc cây kì nam. Rình rập mấy đêm, thì chàng bắt được cô gái. Đành lòng, cô gái phải sống với Thái tử sau này sinh được một người con trai đặt tên là Tri và một người con gái đặt tên là Quí.
Thời gian trôi qua, bỗng ngày nọ Thiên Y A Na nhớ cảnh cũ người xưa, bèn dắt hai con nhập vào khúc kì nam, vượt biển trở về cố quốc. Thấy dân chúng ở Đại An hãy còn thật thà, chất phác; bà liền đem những gì học được ở quê chồng, như phép tắc, lễ nghi ra chỉ dạy và dạy cả những việc như cày cấy, kéo sợi dệt vải... để người dân quê mình biết cách mưu sinh. Ít lâu sau, một con chim hạc từ trên mây cao bay xuống, rước bà và hai con về cõi tiên. Nhớ ơn đức, nhân dân địa phương cùng nhau xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Bằng niềm tin, nhiều người đến đây khấn lễ đều cho rằng thánh mẫu rất linh thiêng, chỉ cần có lòng thành, niềm tin ắt cầu sẽ được.
Nói về truyền thuyết xung quanh việc xây dựng ngọn tháp trên núi Nhạn, T. cũng hào hứng không kém: Thuở ấy có ông Lương Phù Già (tức Lương Văn Chánh) giao tranh với quân Chiêm Thành. Chiến trường diễn ra ở phần đất thuộc TP.Tuy Hòa ngày nay. Quân của ông Phù Già đóng ở núi Nựu (Nựu Sơn), quân Chiêm đóng ở núi Nhạn để cố thủ. Giao tranh lâu ngày nhưng không phân thắng bại. Để tránh đổ máu gây tang tóc cho lương dân, hai bên giao ước với nhau sẽ cùng xây tháp, tháp của bên nào xây to hơn, nhanh hơn là bên đó thắng, bên kia phải rút quân khỏi phần đất Phú Yên. Địa điểm được hai bên lựa chọn là quân Chăm trên núi Nhạn, quân ông Phù Già trên núi Cổ Rùa, một phần nhô ra của núi Nựu.
Quân ông Phù Già cho quân lính chặt tre, chẻ thành sợi mỏng và đan thành những tấm như tấm phên, phất giấy, bôi sơn rồi ghép lại vào các rường cây thành ngôi tháp cao to đến trăm trượng, phải ngửa mặt mới trông thấy đỉnh, từ đầu chân tháp bên này ngó qua bên kia con người chỉ bằng hột bắp. Quân Chăm dốc toàn sức lực ngày đêm xây đắp cho đến khi sắp hoàn thành thì ngọn tháp của ông Phù Già đã hoàn thành, sừng sững một góc trời rất hoành tráng. Quân Chăm đành phải chấp nhận thua cuộc.
Tháp nhạn, nơi chứa nhiều bí ẩn
Bí ẩn vật liệu xây tháp
Nói là vậy, nhưng cả tôi và T. đều bế tắc trước nghệ thuật tạo hình của tháp Nhạn, thân tháp có tạc tượng thần và những chiếc cột bằng gạch xếp chồng đều nhau thẳng như kẻ chỉ, tạo thành những đường gờ nhô ra để khi trông vào không có cảm giác nặng nề và đơn điệu của một hình khối đồ sộ. Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Người ta khó mà biết được kích cỡ của từng viên gạch, nếu không nhờ vào những nơi bị sứt mẻ, bị ngã đổ.
Đem khúc mắc đi tìm hiểu, được TS. Trần Long, Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay: "Rõ ràng là chất liệu duy nhất tính bằng đơn vị dùng để xây tháp nhưng các viên gạch được dùng mang trong nó quá nhiều bí ẩn. Cùng một kích thước nhưng những viên gạch được đúc thí nghiệm theo quy trình thủ công thông thường sẽ nặng hơn viên gạch Chăm cổ 1,3 lần. Độ bền chịu nén, độ dai va đập cùng những tính chất khác của gạch Chăm đều cao hơn gạch thông thường rất nhiều".
Mặc dù có nghiên cứu cho rằng, chất kết dính làm từ cây dầu rái nhưng theo TS. Long bí quyết làm thế nào để các chất liệu trên trở thành hỗn hợp kết dính thì hầu như chưa được phổ biến. Cũng theo lời những người thợ trùng tu tháp Nhạn, hiện nay họ phải dùng xi măng Nhật thay cho hỗn hợp kết dính cổ truyền này. Có người còn trông thấy một số thợ người Chăm nối các phiến đá có phương ngang theo kỹ thuật móc chữ T kết hợp đổ một thứ keo bí mật có độ kết dính cao vào; khi khô thì loại keo này cứng như sắt.
Ngoài ra, khi được hỏi, một số nhà khoa học cũng cho hay, độ kết dính giữa các viên gạch không chỉ do hỗn hợp kết dính mà còn do một kỹ thuật khác nữa - kỹ thuật mài chập. Các viên gạch được mài vào nhau đến khi mặt tiếp xúc thật khít và sau khi cho hỗn hợp kết dính vào giữa, người ta còn tiếp tục mài vài lần nữa để tạo sự kết dính hoàn toàn trên bề mặt các viên gạch. Như vậy, có thể xác đoán hỗn hợp kết dính đó phải là chất lỏng sền sệt giống như hồ hoặc keo lỏng. Có nhà nghiên cứu gọi đó là keo thực vật.
Dù chưa chính thức có lời giải cho công trình nghệ thuật xuyên thế kỷ này, nhưng theo TS. Trần Long, các tháp Chăm dọc miền Trung tọa lạc trên những đỉnh đồi cao, chung quanh có phong cảnh đẹp đẽ. Toàn cảnh tháp Chăm toát lên vẻ đẹp thanh thoát, tĩnh lặng. Tháp vừa là lăng mộ vừa là đền thờ thần và là nơi tiến hành các nghi lễ thần thánh. Tất cả những yếu tố đó cho thấy, tháp không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo nghệ thuật mà còn là hiện thân của triết lý giải thoát. Đó là không gian thiêng để con người từ biệt cõi trần, đi vào thế giới của đấng toàn năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét