GOTOUR-Khi những bãi biển sầm uất, những nhà nghỉ sang trọng tại các khu du lịch nổi tiếng trở nên quen thuộc thì những điểm tham quan du lịch sinh thái sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách...
Từ thị trấn Vân Du, theo Quốc lộ 45, con đường men theo sườn đồi thoai thoải. Đi chừng hơn 1km, khẽ lắng trong tiếng rì rào của cây rừng, có âm thanh ì ầm của tiếng nước chảy từ xa vọng lại.
Khu Du lịch sinh thái Thác Voi nằm ngay ven đường quốc lộ. Ngay từ khi bước chân vào cổng, một không khí trong lành bao phủ làm dịu đi cái không khí nóng nực, bụi bặm của nắng gió đường trường.
Từ cổng ta rẽ trái, theo con đường bê tông đi sâu vào chỉ chừng 20m, sẽ thấy dòng thác bạc trắng hiện ra trước mắt.
Vào những năm 1995 trở về trước, khi ấy để xuống dưới chân thác này thì phải bám theo những rễ cây rừng bám trên những vách đá dựng đứng để xuống, tuy rất khó khăn và nguy hiểm nhưng tạo cho chúng ta một cảm giác thích thú vì sự khám phá và chinh phục.
Ngày nay muốn xuống chân thác, du khách phải chinh phục 145 bậc tam cấp vòng vèo: khi là những bậc đá thiên tạo ăn vào vách núi cheo leo, lúc là các tấm ván của chiếc cầu gỗ xinh xinh chênh vênh bên bờ vực thẳm.
Nước từ thác đổ xuống tràn trề, xối xả, hơi nước tạo thành một màn sương mờ, làm du khách không khỏi reo lên thích thú trước cảnh tượng thiên nhiên đẹp một cách hoang sơ, kỳ tú. Dưới chân thác và trong cánh rừng già xuất hiện một số tảng đá lớn có hình thù hệt như những con voi. Thế nên, tiếng thác đổ ầm ào khiến người thưởng ngoạn tưởng như có một đàn voi chạy đua hoặc tung vòi phun nước đùa nghịch với nhau.
Người già nơi đây kể lại rằng: Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân ra Bắc, khi vượt dãy Tam Điệp đã tình cờ phát hiện ra một mó nước lớn giữa rừng, ông đã cho đàn voi chiến của mình xuống mó nước tắm, nghỉ ngơi.
Sau khi tắm ở mó nước, đàn voi nhanh chóng hồi sức, chúng thích thú rống lên vang dội núi rừng. Mó nước không tên kể từ đó được gọi là Hốc Voi, về sau khi khu du lịch sinh thái được hình thành thì đổi thành thác Voi (Người địa phương gọi là thác Liêng Rơwoa). Thác Voi có diện tích 1.466m² bao gồm thác nước, suối và rừng tái sinh, nằm lọt thỏm trong đáy “yên ngựa” của 2 sườn núi tạo thành.
Ngút tầm mắt là rừng đại ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân và cành chằng chịt dây leo. Giữa mênh mang, lớp lớp cây rừng mầu xanh ngắt hoặc điểm xuyết những chòm lá đỏ rực như lửa, những thảm hoa màu vàng tươi hoặc tím biếc đẹp đến lạ lùng.
Phía sau dòng thác trắng xóa đang tung bụi nước mù mịt là những hang động sâu hun hút đầy bí ẩn. Đó là hang Dơi ăn sâu xuống lòng đất đến 50m với những vách đá có các hình thù, mầu sắc rất lạ mắt. Rễ cây và dây leo đan xen chằng chịt, càng xuống sâu, hang càng tối nhờ nhờ và lạnh lẽo như động của phù thủy. Đó là hang Gió với lối vào rất hẹp nhưng bên trong khá rộng, vi vút tiếng sáo gió trời.
Muốn biết khởi nguồn của ngọn thác ta phải ngược dòng đi lên chừng 12 km, vượt qua 3 ngọn đồi đến chân dãy Tam Điệp. Tại đây vào mùa mưa có một mạch ngầm đùn lên dòng nước trong xanh, mát lạnh trong một mó nước rộng chừng miệng giếng làng. Từ mó nước này, nước tràn trề lúc chia thành từng dòng nhỏ, len lỏi dưới những gốc cây rừng, lúc họp nhau lại thành dòng, lững lờ, chậm chạp chảy qua những đồi mía.
Nước qua Thung Lụt, đổ về Thung Vả, chảy qua Khe Cạn, đuổi nhau về Khe Vả, cuối cùng về đến Thác Voi, chừng như biết đã đến đích của cuộc hành trình, nước chảy tràn trên lớp đá trầm tích, đá biến chất đỏ vàng đã được mài nhẵn nhụi, chúng đuổi nhau rộn rã, róc rách dưới những gốc sung cổ thụ, rồi từ độ cao chừng 5m chúng họp nhau lại, chia làm 2 dòng bạc trắng ầm ầm đổ xuống.
Bọt nước tung trắng xóa, 2 dòng thác đêm ngày không ngừng nghỉ như một con rồng hai đầu đang phun nước, xung quanh những tán vả, tán sung lúc nào cũng ướt đẫm hơi nước, xanh mướt, không ngừng lay động. Trong những ngày nghỉ cuối tuần hay tranh thủ một buổi tan tầm, bạn có thể đến với Thác Voi để thưởng ngoạn một vẻ đẹp kỳ tú, sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, để gột bỏ những lo toan, tất bật đời thường.
Đứng bên suối nước bạn sẽ được nghe bản hợp xướng, có giọng thanh thanh của suối, giọng trầm hùng của thác đổ, giọng vi vút mượt mà của gió, tất cả hòa vào nhau trên cái nền hoang sơ của rừng núi. Tại Thác Voi hiện tại có khoảng 400 gốc sung đại thụ cành lá sum xuê. Những thân cây đủ dáng, có thế cây như nhà sư ngồi kết già, có cây cong cong như lão ngư ngồi câu cá, lại có cây vươn tán trong thế “tản vân”... Dưới gốc sung già ta với bạn ngồi nói chuyện tâm tình những tưởng thời gian như ngưng đọng.
Đến Thác Voi ta còn có thể thỏa thuê vùng vẫy trong dòng suối mát, được đứng dưới thác nước cho dòng nước mát lạnh dội thẳng vào người, cảm giác như đang được mát - xa toàn thân, huyết mạch như được khai thông. Dòng nước mát như đánh thức từng tế bào khiến thể lực nhanh chóng hồi phục, tâm hồn trở nên sảng khoái.
Cách đây chỉ hơn một năm, Thác Voi vẫn còn là một thác nước nguyên vẻ hoang sơ, ít người biết đến. Năm 2005 nhằm đánh thức một tiềm năng du lịch sinh thái, huyện Thạch Thành đã đồng ý cho Công ty cổ phần Phố Cát gồm 3 thành viên là Nguyễn Văn Huế – Giám đốc và 2 cổ đông là anh Nguyễn An Nhơn và Đinh Công Nghị đầu tư xây dựng, cải tạo Thác Voi, biến Thác Voi trở thành điểm du lịch sinh thái. Tuy mới sau 1 năm được xây dựng nhưng Thác Voi đang hiện hình là một khu du lịch sinh thái tiềm năng.
Bước đầu công ty đã bỏ ra 1,2 tỷ đồng để xây dựng các công trình bao gồm 1 khu nhà nghỉ, khu dịch vụ, hội trường, đường đi, bể nước. Đường lên bể, xuống thác không còn phải qua những phiến đá tròn, trơn nhẵn mà được xây bậc lên xuống. Khách ở xa đã có khu nhà nghỉ khang trang lịch sự. Trên độ cao chừng 10m từ chân thác là cầu treo dài khoảng 20m, giữa làn hơi nước bảng lảng, đứng trên cầu ta lại được hưởng cái cảm giác chênh vênh như đang đứng trên mây.
Bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ, thơ mộng, thác Voi từng là cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Mới được tôn tạo thành điểm tham quan du lịch trong những năm gần đây, song thác Voi nhanh chóng được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Tuy nhiên, để Thác Voi thực sự trở thành một điểm đến, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách gần xa vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trong tương lai. Nhìn tổng quan, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho tham quan du lịch tại Thác Voi còn quá sơ sài. Thêm vào đó, chủ đầu tư mới chỉ tập trung quy hoạch khu du lịch, chứ chưa có chiến lược quảng bá hình ảnh, chính vì thế Thác Voi phần nhiều là phục vụ cho nhân dân địa phương đến tham quan, nghỉ ngơi.
Hệ thống dịch vụ tại Thác Voi cũng còn đơn giản, cả khu du lịch hiện tại chỉ có 3 nhân viên phục vụ bao gồm các dịch vụ chụp ảnh, trông coi xe cộ, phục vụ ăn uống. Khách đến Thác Voi phần nhiều là học sinh, sinh viên đi tham quan trong dịp nghỉ hè, nghỉ chủ nhật. Đến tham quan Thác Voi hiện tại khách chỉ phải mua một vé vào cửa 2.000 đồng, việc tham quan, sử dụng bể tắm vẫn hoàn toàn miễn phí.
Anh Nguyễn Văn Huế cho biết: Vào dịp hè, ngày đông nhất Thác Voi cũng có khoảng 500 khách, trong đó có cả những đoàn khách từ Hòa Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh... Tuy nhiên, đến thời điểm này Thác Voi hoàn toàn vắng vẻ, vì khách chính là học sinh, sinh viên đã trở lại trường. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần Phố Cát đang trình UBND huyện xem xét để tiếp tục mở rộng, phát triển khu Thác Voi. Bao gồm việc mở rộng diện tích rừng tái sinh, đầu tư nâng cấp hệ thống dịch vụ (các ghế đá, võng nằm...).
Bên cạnh đó công ty cũng đã có các chiến lược quảng bá hình ảnh Thác Voi một cách rộng rãi như: in tờ rơi, ca-ta-lô, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng... Hy vọng với việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng đi kèm với chiến lược quảng bá phù hợp, chỉ trong một thời gian ngắn, Thác Voi sẽ trở thành một khu du lịch sinh thái hấp dẫn, niềm tự hào của huyện Thạch Thành và xứ Thanh.
Chia tay Thác Voi vào một buổi chiều muộn, con đường lại uốn lượn qua những ruộng mía xanh bát ngát. Ta lại nghe như trong gió ngàn có tiếng ì ầm của dòng thác, lòng du khách lại bồi hồi, đến Thác Voi một lần rồi háo hức trở lại lần sau...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét