GOTOUR- Cảm phục trước tấm lòng yêu thơ Hàn độc đáo của Dzũ Kha, chính quyền tỉnh Bình Định đã chấp thuận ước mong của anh là xây dựng "Nhà lưu niệm thơ Hàn Mặc Tử- Bút lửa Dzũ Kha".Đến TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đi đâu cũng nghe kể về người yêu thơ Hàn Mặc Tử đến độ đã dựng lều gỗ cạnh nơi an nghỉ của thi sỹ Hàn để ngày ngày đàm đạo thơ ông. Dù nắng hay mưa, đúng 5g sáng anh lại mở cửa lều thơ đón khách ghé thăm, thưởng thức tình yêu thơ Hàn của anh bằng cách độc nhất vô nhị là dùng lửa khắc thơ Hàn trên giấy, gỗ.
Cảm phục trước tài năng "độc" đến lạ thường của người nghệ sỹ khắc thơ Hàn này, mọi người còn phong cho anh tên gọi là "Bút lửa"- Dzũ Kha. Tên thật của Dzũ Kha là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960 tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM nhưng không theo nghề, mặc dù có nhiều nơi mời anh làm việc. Thế nhưng anh làm thơ để trả lời rằng: "Bạn lên phố thị xênh xang. Riêng ta ở lại đa mang xứ Ghềnh. Phồn hoa náo nhiệt lãng quên. Họa thi bút lửa sưởi bên mộ Hàn".
Đa mang Ghềnh Ráng
Chúng tôi đến Ghềnh Ráng như những người du lịch viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử chứ không hề có ý định lên đây để viết bài về Dzũ Kha. Vậy mà sau khi viếng mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng, chúng tôi bắt gặp một ngôi lều gỗ nhỏ xinh xắn (cách mộ Hàn Mặc Tử chưa đầy 100m) có bảng hiệu ghi rõ: "Lưu Bút thơ lửa Hàn Mặc Tử".
Chưa kịp hỏi về cái tên ấn tượng- "Bút lửa Dzũ Kha" thì bắt gặp người đàn ông trung niên, dáng cao, mái tóc dài đầy chất phiêu bạt, phong trần của nắng gió miền Trung đang thuyết minh cho một đoàn khách du lịch. Anh nói rằng tên anh là Dzũ Kha, còn người dân nơi đây và bạn bè thường gọi anh là: "Ẩn sĩ xứ Ghềnh" hay là "Rô Bin Sơn- Ghềnh Ráng", rồi "Người "điên" Ghềnh Ráng".
Một vài người làm du lịch tại Ghềnh Ráng kể: lúc trước, khi chưa có "ngôi nhà thơ" này, người ta thường thấy Dzũ Kha cứ mỗi chiều đều lên đồi Ghềnh Ráng ngồi thơ thẩn một mình, rồi cười, rồi đọc, rồi ghi ghi chép chép cho đến khuya hay khi trăng lên mới về, nên mọi người cứ nghĩ anh bị "khùng" hay bị "tâm thần" gì đó, người thấy tội nghiệp thì gán cho anh cái tên nhẹ nhàng hơn một chút: "Thi sĩ điên".
Trải lòng với chúng tôi, Dzũ Kha nói: "Tôi yêu thơ Hàn Mặc Tử và kính trọng ông, nên việc người đời nghĩ nhầm về tôi, tôi không cần phải giải thích…". Nhưng rồi với niềm yêu thơ Hàn trào dâng đến cháy bỏng trong tim, mấy chục năm qua anh lặn lội đến nhiều nơi để tìm kiếm, gặp nhân chứng sống, sưu tầm những bút tích, giai thoại về nhà thơ tài ba Hàn Mặc Tử.
Cảm phục trước tấm lòng yêu thơ Hàn độc đáo của Dzũ Kha, chính quyền tỉnh Bình Định đã chấp thuận ước mong của anh là xây dựng "Nhà lưu niệm thơ Hàn Mặc Tử- Bút lửa Dzũ Kha".
Dzũ Kha kể, để có những tư liệu sống về thơ Hàn, anh đã trải qua rất nhiều năm tháng rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm, sưu tầm những câu chuyện về Hàn Mặc Tử… Kỷ niệm mà theo Dzũ Kha cho anh nhiều trải nghiệm quý báu là lần đầu tiên gặp được nữ sĩ Mộng Cầm (bà mất đầu năm 2007, tại Phan Thiết) rất khó khăn, nhưng rồi quá trình đi lại, nữ sĩ đã cảm nhận được con người thật và công việc của Dzũ Kha nên đã cung cấp cho anh nhiều tư liệu quý giá.
Và như để tỏ lòng yêu quý thơ Hàn, Dzũ Kha đã chọn cho mình cuộc sống xem nhẹ vinh hoa phú quý nơi chốn thị thành, lên dựng lều gỗ bên mộ Hàn Mặc Tử để ngày ngày làm thơ, viết thơ, khắc thơ và chăm sóc hương khói cho thi sỹ tài hoa Hàn Mặc Tử.
Khắc thơ Hàn bằng… lửa
Mới nghe gọi ai cũng nói là làm gì có chuyện viết thơ bằng lửa. Song đây là chuyện có thật mà thật như đếm. Dzũ Kha không những sưu tầm thơ, bút tích mà còn đọc thơ, viết thơ Hàn bằng lửa trên giấy, gỗ. "Người ta bút mực bút chì. Dzũ Kha bút lửa khắc ghi thơ Hàn"- câu thơ anh tự đặt và đọc cho mọi người nghe khi đến thăm Ghềnh Ráng.
Lâu nay, người ta viết chữ hay vẽ tranh bằng lửa trên gỗ chứ ít khi viết trên giấy vì rất khó (dễ cháy), thế nhưng Dzũ Kha lại làm được điều đó qua quá trình rèn luyện với bao lần thất bại. "Từ lúc bắt đầu viết bút lửa trên giấy cho đến khi viết được một bài thơ ngắn đầu tiên bán cho khách đến thăm mộ Hàn Mặc Tử, tôi phải tốn mất gần một năm trời" Dzũ Kha cho hay.
Anh nói, tất cả thơ anh khắc đều là của Hàn Mặc Tử và anh cho rằng, đó là cách để lưu dấu và "truyền bá" thơ Hàn hay nhất. Khi được hỏi Dzũ Kha ý thức gì về việc làm của mình, thì anh cười và nói: Thơ Hàn hay, độc đáo thì ai cũng biết, nhưng với tôi để cho mọi người Việt Nam hay thế giới khắc sâu hơn thơ Hàn thì phải dùng cách độc đáo như lấy lửa khắc thơ mới gây ấn tượng sâu đậm. Tôi mong là thông qua bút pháp lửa này thì mọi người nhớ về thơ Hàn hơn, hay là nhớ về Ghềnh Ráng…
Ngoài việc viết những vần thơ Hàn, Dzũ Kha còn dùng tài năng đặc biệt của mình vẽ nhiều bức tranh cũng bằng lửa trên gỗ về di tích- danh lam thắng cảnh, mộ Hàn Mặc Tử, Ghềnh Ráng và nhiều cảnh đẹp ở quê hương Bình Định. Anh kể thêm, hồi mới lên đây ở, Ghềnh Ráng còn hiu quạnh lắm, ngày và đêm anh chỉ nghe tiếng thông reo, tiếng gió hú, tiếng sóng biển vỗ rì rào đến lạnh cả người. Lúc buồn thì anh ra quét dọn mộ Hàn. Có những đêm trăng thanh- mùa trăng cũng là lúc người bị bệnh phong đau nhức nhất, anh lại làm thơ: "Đông về, thu lại, xuân sang. Cùng ai với ánh trăng vàng biển khơi. Thỏa lòng đuổi trót cuộc chơi. Chỉ mong tìm lấy một đời thương thôi". "Hình như vì tôi gần gũi bên mộ Hàn Mặc Tử nên ông đã cho tôi những cảm xúc dạt dào để vẽ nên những bức tranh thấm đẫm chất thơ như vậy", Dzũ Kha tâm sự.
Kỹ thuật viết chữ trên giấy, gỗ bằng bút lửa của Dzũ Kha hiện nay đạt đến độ điêu luyện không chỉ về kỹ thuật viết mà về mỹ thuật cao đã được nhiều người trong cả nước biết đến. Suốt 30 năm qua nhiều người yêu thơ Hàn Mặc Tử mỗi khi đến Quy Nhơn đều tìm lên Ghềnh Ráng, tìm Dzũ Kha nghe anh đọc thơ, cùng Dzũ Kha đàm đạo thơ Hàn và khắc thơ lên giấy, gỗ.
Người ta thường nói rằng, một di tích hấp dẫn khách phương xa đôi khi không cần quá vĩ đại, quá đẹp, mà chỉ cần di tích đó có "cái hồn", con người khéo léo biết "phả" vào đó những câu chuyện có thật hay những giai thoại hoặc nhân chứng sống. Nói không quá rằng Dzũ Kha đã góp phần làm được điều đó cho Ghềnh Ráng…
Dzũ Kha không chỉ làm thơ mà còn đọc, ngâm thơ, bình thơ, thuyết minh, kể cho khách đến thăm nơi đây những câu chuyện sống động, bằng những hiện vật- bút tích đầy thuyết phục. Có rất nhiều người biết thơ, yêu và thuộc thơ Hàn, nhưng khi đến đây được nghe Dzũ Kha đọc, ngâm thì cảm thấy hay hơn, thú vị hơn và nhiều người tranh nhau mua những tập thơ, đĩa CD thơ của Hàn Mặc Tử do anh sưu tầm và xuất bản.
Nhiều người nói rằng, đến tham quan Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử khi có Dzũ Kha thì cụm di tích này như có hồn hơn, nâng thêm giá trị về thơ và đời của Hàn Mặc Tử. Dzũ Kha cũng là một trong những người góp phần tôn vinh thêm thơ Hàn.
Chia tay với Ghềnh Ráng, với Dzũ Kha chúng tôi không thể quên được hình ảnh một con người độc đáo yêu thơ Hàn đến mức "quái lạ" mà ai cũng phải lưu luyến "Bút lửa khắc thơ Hàn"- Dzũ Kha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét